Ông Địa (Thổ Công) là một trong hai vị thần cùng với ông Thần Tài luôn được người dân thờ cúng một cách trang trọng trong nhà vì mong muốn đem lại cho gia đình nhiều tài lộc và may mắn. Vậy ông Địa là ai, ông Địa khác gì so với ông thần tài và ý nghĩa của việc thờ cúng ông Địa là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau đây:
Tham khảo thêm:
1. Ông Địa là gì?
Ông Địa hay còn gọi là thổ công, thổ địa hay thổ thần,… Đây là một vị thần trong tín ngưỡng của người Châu Á, cai quản một vùng đất hay địa điểm nào đó. Trong dân gian có câu: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Ở mỗi gia đình, Thổ công là vị thần có nhiệm vụ trông coi gia đình và dự định họa phúc.
Theo người Trung Hoa, Thần Thổ Địa là Thổ Địa Công, Thổ Địa Gia, Phúc Đức Chính Thần, Hậu Thổ, Xã Thần, Thổ Chính, Thổ Bá.
Thần Thổ Địa là một trong những vị Thần phổ biến trong tín ngưỡng văn hóa của người Á Đông. Trong tín ngưỡng dân gian của các nước Á Đông, Thần Thổ Địa là vị Thần hộ mệnh của địa phương và là vị chính Thần có phúc đức.
Tại Trung Quốc, vào thời kì Trung Hoa Dân Quốc và thời kỳ trước đó, nơi nào có người Hán sinh sống đều có cảnh thờ cúng Thần Thổ địa.
Trong văn hóa truyền thống từ xa xưa, cúng tế Thần Thổ địa có nghĩa là cúng tế đại địa, còn thời hiện đại ngày nay thì phần lớn thuộc về cầu phúc, cầu tài, cầu bình an và bảo vệ mùa màng bội thu. Thần Thổ Địa cũng là vị Thần có địa vị khá thấp trong các chư Thần, ông là một vị Thần khá thân cận với dân gian.
Riêng người Việt thì coi Ông thổ Địa như một vị thần bình dân với vẻ ngoài mập mạp, bụng phệ, tay cầm quạt lá, tướng tốt và lúc nào cũng vui cười. Ông thổ Địa thường xuất hiện mỗi khi múa lân, điều này coi như một năng lực cân bằng thú tính của con lân hay sư tử, nhằm thuần hóa nó thành một con vật mang điềm tốt lành.
2. Sự khác nhau giữa ông Địa và thần Tài?
Mặc dù thường xuất hiện cùng nhau trên bàn thờ trong các gia đình hay trong các hình ảnh, tuy nhiên ông thần Tài và ông thổ Địa cũng có những khả năng và đặc điểm khác nhau nhưng đồng thời cũng liên quan với nhau vì trong nhân gian có câu “ Thổ năng sinh bạch ngọc, Địa khả xuất hoàng kim “ có nghĩa là “ Đất thường sinh ra ngọc tốt, Vàng cũng từ đất mà sinh ra” ý nói về việc thần Tài và ông thổ Địa có sự liên quan thắm thiết đến cuộc sống cũng như ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình.
Sự khác nhau giữa thần Tài và ông thổ Địa rất dễ nhận ra. Thần Tài là vị thần giúp trông nom, bảo vệ và đem lại nhiều tiền bạc, may mắn về mặt kinh tế cho gia đình, ông thường xuất hiện với diện mạo một ông già râu trắng bạc phơ, trên tay cầm vàng thỏi và có nụ cười hiền hậu.
Còn ông thổ Địa thường xuất hiện với hình ảnh là một ông lão với chiếc bụng phệ, trên tay cầm chiếc quạt mo, ông có nhiệm vụ giúp người dân canh giữ đất đai, ruộng vườn và nhà cửa.
3. Ý nghĩa của việc thờ cúng ông Địa, thần Tài
Theo tục lệ xưa để lại, cứ vào ngày mồng Một và ngày rằm (15 âm lịch) hàng tháng, các gia đình người Việt Nam sẽ làm lễ cúng gia thần, gia tiên để cầu xin cho mọi người trong gia đình được khoẻ mạnh, bình an, cho công việc thuận lợi gặp nhiều may mắn. Đặc biệt với các gia đình làm kinh doanh, buôn bán thì đây là một nghi thức không thể thiếu để cầu tài lộc, may mắn hàng tháng.
4. Tín ngưỡng thờ cúng ông Địa
Việc thờ cúng ông Địa Cũng là một phong tục khá thú vị với người Việt Nam ta. Đối với người miền Nam, mỗi khi cúng ông Địa thì họ sẽ thường bẻ ăn trước một miếng rồi mới mang đi cúng. Vì theo 1 vài sự tích kể lại thì Ông Địa bị đầu độc nên chết, vì vậy ông rất sợ bị chết, nên khi cúng kiếng ông thì phải bẻ ăn một miếng trước, coi như thử độc trước thì ông mới dám ăn. Còn đối với người miền Bắc thì họ vẫn cúng như bình thường. Người ta cúng Thổ Công vào ngày mồng 1 và ngày 15 (âm lịch) hàng tháng và các dịp lễ Tết khác.
5. Cách bày trí bàn thờ ông Địa
Bàn thờ ông Địa thường được đặt ở dưới đất, sử dụng Khám thờ nhỏ. Vị trí đặt bàn thờ là những nơi thông thoáng, sạch sẽ dễ nhìn thấy khi mọi người ra vào. Thường mọi người hay để Ông Địa thờ chung với Thần Tài.
Nguyên tắc “Đông bình – Tây quả”, từ trái qua phải được áp dụng một cách chặt chẽ trong cách bài trí bàn thờ Thổ Công và Thần Tài. Trên bàn thờ, Ông Địa sẽ được đặt phía bên phải, Thần Tài được đặt phía bên trái. Hũ gạo bên phải, hũ muối bên trái và bát hương thì đặt ở giữa, hướng cho mặt nguyệt quay ra phía bên ngoài.
Hướng đặt bàn thờ ông Địa thần Tài nên chọn lấy các cung Thiên Lộc và Quý Nhân để nhận được thật nhiều tài lộc hơn cho gia đình mình.
- Cung Thiên lộc (hướng Đông Nam) giúp mang lại nhiều may mắn, tiền bạc, thu được nhiều lợi nhuận và làm ăn phát đạt.
- Cung Quý nhân (hướng Tây Bắc) giúp gia chủ nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người khác, gặp dữ hóa lành và có nhiều bình an
6. Một số lưu ý khi sắp xếp vị trí và hướng đặt bàn thờ ông thổ Địa, thần Tài
Khi thờ ông Địa Thần Tài, bạn hãy lưu ý một số vấn đề khi sắp xếp vị trí và hướng đặt dưới đây để không ảnh hưởng đến tài lộc may mắn của gia đình hoặc cửa hàng mình nhé:
- Không cắm hương chồng chéo lên nhau và không chọc thủng gói Thất Bảo, vì như vậy thần linh sẽ không thể chứng giám và phù hộ cho gia chủ.
- Tượng ông thổ Địa và Thần Tài sau khi thỉnh về nên dán chữ nho ở phía sau lưng bàn thờ, để các vị thần có thể linh nghiệm.
- Trên bàn thờ không được thiếu bài vị gương, hũ muối, nước, gạo, bát tụ lộc.
- Chọn màu sắc bàn thờ ông thổ Địa Thần Tài hợp với mệnh của gia chủ sẽ thu hút nhiều tài lộc hơn và tránh được sự xung khắc.
- Không được phép đặt bàn thờ ở nơi gần bếp, nhà vệ sinh hay những nơi ô uế, không sạch sẽ.
Từ những thông tin trên, hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết hơn về ông Địa hay Thổ công và giúp bạn có những lựa chọn phù hợp và chính xác trong việc thờ cúng trong gia đình. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm cách đặt ông thổ Địa Thần Tài đúng vị trí, đúng hướng đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho bản thân và gia đình nhé!
Tham khảo thêm: